Triển khai
phần mềm quản lý sản xuất là một dự án lớn đối với bất kì nhà máy nào vì đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, chi phí, công sức từ phía cung cấp dịch vụ và phía nhà máy. Quá trình triển khai cần được nhà máy đánh giá thông qua 3 yếu tố: thời gian, chi phí và rủi ro. Có 3 cách triển khai phần mềm quản lý sản xuất phổ biến: triển khai đồng loạt một lần, triển khai theo giai đoạn và triển khai song song. 3 hình thức này đều có thể áp dụng trong 2 tình huống: nhà máy đang quản lý sản xuất bằng giấy tờ truyền thống, và nhà máy đã có phần mềm quản lý sản xuất nhưng không còn đáp ứng được yêu cầu.
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu đặc điểm mỗi hình thức triển khai.
1. Triển khai phần mềm quản lý sản xuất đồng loạt
Triển khai đồng loạt loại bỏ hoàn toàn hệ thống quản lý sản xuất cũ, thay thế hoàn toàn bằng phần cứng và phần mềm quản lý sản xuất mới và triển khai mọi tính năng phần mềm cần thiết tại tất cả các vị trí có sự quản lý sản xuất. Với phương pháp này, dữ liệu về quá trình sản xuất tại một thời điểm chỉ có ở một nơi.
Triển khai hệ thống quản lý sản xuất trong thời gian ngắn khó như trèo thang dựng đứng
Phương pháp này đòi hòi chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho hình thức quản lý mới, đưa phần mềm quản lý sản xuất mới vào sử dụng thực tiễn. Đặc trưng của phương pháp này là thời gian triển khai trong 3 hình thức là ngắn nhất. Tuy nhiên, vì thực tế sản xuất với các điều kiện thử nghiệm phần mềm là có sự khác nhau nhất định, cho nên phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phương pháp này có thể áp dụng với những phần mềm quản lý sản xuất nhỏ, quy trình sản xuất nhà máy đơn giản, không bị tác động quá nhiều trong quá trình triển khai.
2. Triển khai phần mềm quản lý sản xuất theo giai đoạn
Triển khai hệ thống quản lý sản xuất theo giai đoạn cho phép các bên tiếp cận cái mới lần lượt
Triển khai theo giai đoạn là thay thế lần lượt từng khu vực sản xuất bằng phần mềm quản lý sản xuất mới. Có 3 dạng: triển khai lần lượt cho các xưởng,theo module chức năng phần mềm hoặc theo danh mục thiết bị. Trong quá trình triển khai, nếu khu vực/module/thiết bị nào gặp sự cố sẽ được chuyển sang sử dụng cách quản lý cũ, đợi điều chỉnh phần mềm trước khi tiếp tục triển khai. Do đó, phương pháp này hạn chế sai sót nếu có lỗi hệ thống trong phần mềm quản lý sản xuất. Ngoài ra, vì phương pháp này giảm bớt áp lực thanh toán cho nhà máy nên những dự án lớn thường lựa chọn phương pháp triển khai theo giai đoạn.
Với phương pháp này, người dùng cần phải làm việc được với cả
hệ thống quản lý sản xuất cũ và hệ thống quản lý sản xuất mới. Đôi khi, người dùng sẽ có sự lẫn lộn nên cần phải có cán bộ hỗ trợ, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc ở khu vực sản xuất.
3. Triển khai song song phần mềm quản lý sản xuất với phương pháp cũ
Triển khai song song là bên cạnh sử dụng phần mềm quản lý sản xuất, tiếp tục sử dụng phương pháp quản lý trước đây trong một khoảng thời gian nhằm kiểm tra tính tin cậy của hệ thống mới.
Tồn tại song song 2 hệ thống quản lý cũ và mới tạo cơ hội cho nhân viên làm quen và so sánh 2 hệ thống
Phương pháp náp này gây tốn kém vì nhà máy phải duy trì cả 2 hệ thống quản lý, đồng thời nhà máy thường xuyên khớp số liệu. Trường hợp nhà máy đang dùng 2 hệ thống quản lý sản xuất và lưu trữ dữ liệu trên máy tính cũ và mới cần phải có cơ chế để dữ liệu hai hệ thống thống nhất.
Phương pháp này thích hợp cho những nhà máy đòi hỏi tính chính xác, an toàn cao như nhà máy sản xuất chip điện tử, sản xuất robot...
Như vậy, bài viết giúp bạn đọc tìm hiểu về những hình thức triển khai phần mềm quản lý sản xuất phổ biến hiện nay. Những hiểu biết này sẽ giúp các nhà máy lựa chọn hình thức triển khai phần mềm quản lý sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.
Bài viết bạn nên xem: